Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai kết nối các hệ thống hạ tầng thông tin.
Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành và liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản đi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100%, trong đó, tổng số văn bản đi được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 98%.
Cùng với đó, trên 3.500 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức được thường xuyên sử dụng trong xử lý công việc.
Người dân tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Một điểm nổi bật nữa trong cải cách thủ tục hành chính tại tỉnh đó là đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đã tạo ra nhiều thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giải quyết công việc.
“Tôi cũng thường xuống làm thủ tục ở xã, như đăng ký giấy khai sinh cho con rồi công chứng các giấy tờ. Trước chưa có dịch vụ công thì cũng vất vả đi lại, giờ có dịch vụ công thì cán bộ công chức giải thích làm thủ tục giấy tờ, làm trên dịch vụ công cũng nhanh hơn.” - anh Lò Văn Sáng, bản Na Pheo, xã Na Sang, huyện Mường Chà, nói.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, thời gian qua, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực rà soát, cập nhật, công khai minh bạch đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi sang xây dựng chính quyền số…
Chuyển đổi số trong cải cách hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục, hồ sơ, giấy tờ.
Ông Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, cho biết: “UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện cải cách hành chính, tiến hành cho kế hoạch tổng thể CCHC giai đoạn 2021 - 2030. Tất cả các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành đồng bộ các giải pháp để triển khai CCHC trên 6 lĩnh vực. Từ việc cải cách về thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, cải cách tài chính công và phát triển Chỉnh phủ điện tử, Chính phủ số.”
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác của các nhà đầu tư. Các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh được quan tâm đầu tư như: Hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu đô thị... Kết quả đó có được chính là nhờ việc thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch của tỉnh.
Năm 2024, chuyển đổi số trong cải cách hành chính tiếp tục được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và thực sự hiệu quả, tạo đòn bẩy thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn./.