CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

HUYỆN MƯỜNG ẢNG

Chào mừng quý bạn đọc đến với Cổng thông tin điện tử Huyện Mường Ảng
  • HỘI THẢO VỀ ĐỊNH HƯỚNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÀ PHÊ ARABICA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG ẢNG
  • Thời gian đăng: 12/23/2024 12:00:00 AM
  • Sáng ngày 23/12, UBND huyện Mường Ảng phối hợp với Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo về định hướng, phát triển bền vững cà phê Arabica trên địa bàn huyện. Dự hội thảo có đồng chí Giàng Thị Hoa - Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng chí Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
  • Trong thời gian qua, huyện Mường Ảng đã và đang triển khai các Chương trình dự án, các chính sách để hỗ trợ và thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, phát triển hạ tầng sản xuất, đặc biệt là tập trung phát triển cây trồng chủ lực trên địa bàn như cà phê, cây ăn quả, cây chè và một số cây trồng khác.... góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện, phát triển sản phẩm chủ lực, quy mô tập trung với trên 3.000 ha cây cà phê, trên 500 ha cây ăn quả, 25 ha cây chè…
    Cây cà phê được trồng trên địa bàn huyện từ những năm 1970 song đến tận những năm 1995-1996, cây cà phê mới chính thức được đầu tư canh tác theo mô hình hiệu quả. Huyện Mường Ảng xác định cà phê là cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao không chỉ giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện Mường Ảng là vùng trồng cây cà phê lớn nhất của tỉnh Điện Biên, với trên 3.000 ha cây cà phê, sản lượng cà phê trấu năm 2024 đạt trên 4.000 tấn. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung phát triển vùng trồng, huyện Mường Ảng cũng chú trọng vào công tác chế biến sâu cà phê; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chế biến, tăng giá trị và thương hiệu cho cà phê Mường Ảng. Hiện huyện đã có 5 sản phẩm OCOP từ cà phê đạt chứng nhận 3 sao trở lên. Đồng thời huyện cũng chú trọng tìm kiếm, xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm cà phê đến với người tiêu dùng; trong đó huyện đã tham gia các Hội chợ, Hội thảo phát triển cà phê chất lượng cao như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8; tham gia trưng bày, giới thiệu, phục vụ cà phê tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Hội chợ công thương vùng Tây Bắc - Điện Biên; tham gia sự kiện Hội chợ quốc tế ngành cà phê tại Côn Sơn, Trung Quốc… thu hút sự quan tâm của các du khách, người tiêu dùng và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
    Phát biểu tại hội thảo đồng chí Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những giải pháp phát triển cây cà phê tại huyện Mường Ảng. Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng về việc phát triển cây cà phê trên địa bàn tỉnh. Cây cà phê là cây công nghiệp trồng 1 lần, chăm sóc và thu hoạch nhiều lần. Đồng chí cũng thông tin đến những hộ dân trồng cà phê về chủ trương của tỉnh đối với cây cà phê. Mong muốn các nhà khoa học, các hộ dân trồng cà phê tiếp tục thảo luận, đóng góp các ý kiến để tỉnh sẽ nghiên cứu các chính sách liên quan đến việc tái canh cây cà phê trong thời gian tới.
    Tại hội thảo các đại biểu cùng gần 200 hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng đã được Chuyên gia Cục trồng trọt, Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai một số chính sách trong phát triển cà phê Arabica; hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cà phê theo quy trình thực hiện chỉ dẫn địa lý cà phê Mường Ảng, kỹ thuật canh tác, phát triển cà phê trên đất dốc, phòng trừ sâu bệnh hại, xử lý tuyến trùng, kỹ thuật cải tạo, tái canh cây cà phê…Thảo luận công tác trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tái canh, cải tạo, mở rộng diện tích cà phê trong giai đoạn tới…
    Để phát triển bền vững cà phê Mường Ảng, nâng cao chất lượng, giá trị và thị trường ổn định theo định hướng của tỉnh và Trung ương. Trong thời gian tới huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục duy trì, chăm sóc và khai thác hiệu quả diện tích cà phê hiện có, tăng cường áp dụng kỹ thuật thâm canh cà phê ở những nơi có điều kiện sinh thái thích nghi, phù hợp; ghép, cải tạo hoặc tái canh bằng các giống cà phê chất lượng, đồng thời thực hiện canh tác đúng quy trình thâm canh, tăng năng suất và chất lượng; sản xuất theo định hướng xuất khẩu gắn với phát triển công nghiệp chế biến; từng bước áp dụng tiến bộ công nghệ cao; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường…./.
    Một số hình ảnh của hội thảo:
  • Tác giả: Nguyễn Hưởng
  • Liên kết Website
  • Thống kê truy cập
  • Tổng truy cập: