Ngối Cáy là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ảng, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm gần 30%, trong những năm qua thực hiện các chương trình cho vay của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, các Hội, đoàn thể trong xã đã nhận ủy thác với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng, giúp hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế. Hầu hết các hộ vay vốn đều tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cà phê, kinh doanh dịch vụ… từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Lường Thị Mai ở bản Co Hắm, xã Ngối Cáy; khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ nguồn vốn vay từ Hội LHPN xã ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị Mai đã đầu tư chuồng trại, mua giống lợn, ngan, gà, vịt về chăn nuôi, với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, áp dụng những kiến thức chăn nuôi trên mạng xã hội vào mô hình của gia đình, từ đó đàn vật nuôi phát tiển tốt, không sảy ra dịch bệnh. Hàng năm xuất bán ra thị trường hàng tấn lợn thịt và hàng trăm con ngan, gà, vịt, trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng.
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng giải ngân nguồn vốn vay tại xã Ẳng Cang
Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng hiện đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ vốn cho các nhu cầu vay. Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, ngân hàng chính sách xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thành niên, Hội cựu chiến binh… triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn. Ngoài ra tại 10 xã, thị trấn có điểm giao dịch đã giảm chi phí giao dịch của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng chính sách.
Được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình ông Quàng Văn Thinh, ở bản Co Sản, xã Mường Lạn đầu tư chăn nuôi lợn nái và gà, vịt. Nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích cùng với sự cần cù, chịu khó ham học hỏi và được các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn vật nuôi phát triển tốt. mỗi năm xuất bán thu lãi hàng chục triệu đồng. Đến nay kinh tế của gia đình ông Thinh ngày càng ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, các xã, thị trấn luôn chỉ đạo các tổ chức Hội nhận ủy thác xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó, phân công cho cán bộ phụ trách địa bàn thực hiện việc kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn ở từng hộ gia đình. Thông qua đó, không những giúp các hộ gia đình được vay vốn có phương án làm ăn hiệu quả, mà chính quyền địa phương có điều kiện đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng như đề ra các giải pháp hữu hiệu để triển khai đạt hiệu quả hơn. Hiện, tổng dư nợ cho vay ủy thác tại các hội, đoàn thể toàn huyện đạt trên 520 tỷ đồng.
Từng là hộ nằm trong danh sách nghèo của xã nhiều năm, nhưng đến nay gia đình ông Quàng Văn Pính, bản Ten, xã Nặm Lịch đã trở thành 1 trong những hộ khá giả của bản, nhà cửa xây dựng khang trang, kinh tế của gia đình ổn định với trên 1,5ha cà phê, gần 20 con bò, đàn lợn trên 10 con và hàng trăm con gia cần, 500m2 ao thả cá. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân và gia đình, ông Pính sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH huyện về nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo.
Bà Lò Thị Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Mường Ảng cho biết: Thời gian tới, phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tập trung điều chỉnh kế hoạch tín dụng cho vay để vừa phù hợp với tình hình thực tế của Ngân hàng vừa phát huy vai trò là cầu nối, điểm tựa vững chắc cho người dân trên con đường thoát nghèo bền vững./.